Trong bài viết này, Chúng tôi sẽ giới thiệu đến cho bạn về những bài tập tính số tiền bồi thường bảo hiểm, số tiền bảo hiểm là gì , giá trị tham gia bảo hiểm đối với khách hàng.
Bài tập tính số tiền bồi thường bảo hiểm
Ví dụ 1: Tài sản của bên được bảo hiểm có giá trị 100 triệu đồng, số tiền bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng là 80 triệu đồng, xảy ra sự cố thuộc trách nhiệm bảo hiểm, chi phí sửa chữa hợp lý phát sinh là 50 triệu đồng, người được bảo hiểm sẽ được nhận khoản tiền bồi thường là bao nhiêu?
Trả lời:
Đây là trường hợp bảo hiểm dưới giá trị tài sản (số tiền bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm), trừ khi HĐBH có quy định khác, DNBH sẽ xác định số tiền bồi thường theo công thức:
Số tiền bồi thường | = | Giá trị thiệt hại | x | Số tiền bảo hiểm |
Giá trị bảo hiểm |
Như vậy trong trường hợp trên, nếu không có thoả thuận khác trong HĐBH, người được bảo hiểm sẽ được nhận khoản tiền bồi thường là:
Số tiền bồi thường = 50.000.000 x 80.000.000/100.000.000 = 40.000.000 đ.
- Xem Thêm : Mẫu hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản
Ví dụ 2: Tài sản của bên được bảo hiểm có giá trị 100 triệu đồng, bên được bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm với số tiền bảo hiểm là 120 triệu đồng, quy định của Luật KDBH trong trường hợp này như thế nào?
Trả lời:
Tại điều 47, Luật KDBH 2022 quy định HĐBH tài sản có số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng là HĐBH tài sản trên giá trị. DNBH và bên mua bảo hiểm không được giao kết HĐBH tài sản trên giá trị.
Trong trường hợp HĐBH tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, DNBH phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá trị của tài sản được bảo hiểm.
Như vậy, ở trường hợp trên, DNBH không được giao kết HĐBH với số tiền bảo hiểm bằng 120 triệu đồng. Nếu DNBH chỉ giao kết HĐBH dựa trên cơ sở kê khai giá trị của bên mua bảo hiểm và HĐBH đã được giao kết với số tiền bảo hiểm là 120 triệu thì khi phát hiện ra đã bảo hiểm trên giá trị tài sản, DNBH phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm một phần số phí bảo hiểm đã đóng. Trường hợp xảy ra tổn thất cho tài sản được bảo hiểm, DNBH sẽ bồi thường theo thiệt hại thực tể mà người được bảo hiểm phải gánh chịu không vượt quá 100 triệu đồng.
Ví dụ 3: Tài sản được bảo hiểm đúng giá trị với số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng, trong năm hợp đồng xảy ra 2 sự cố, sau sự cố lần thứ nhất, tài sản đã được sửa chữa, khôi phục giá trị ban đầu và DNBH đã bồi thường cho người được bảo hiểm 40 triệu đồng. Trong sự cố lần thứ hai, tài sản bị tổn thất toàn bộ, DNBH sẽ phải bồi thường bao nhiêu?
Trả lời:
Trừ khi người mua bảo hiểm đã thoả thuận điều khoản tự động khôi phục số tiền bảo hiểm trong HĐBH và phải đóng thêm phí bảo hiểm, trong cùng thời hạn hợp đồng, sau mỗi lần bồi thường, trách nhiệm của DNBH đối với tài sản được bảo hiểm sẽ giảm đi một mức độ tương ứng. Như vậy trong trường hợp trên, nếu không có thoả thuận khôi phục lại số tiền bảo hiểm, trong sự cố lần thứ 2, DNBH chỉ bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền = 100 – 40 = 60 triệu đồng.
Ví dụ 4: Tài sản của bên được bảo hiểm có giá trị 100 triệu đồng, được bảo hiểm đồng thời bởi 2 HĐBH tại DNBH A và DNBH B với số tiền bảo hiểm lần lượt là 70 triệu đồng và 80 triệu đồng. Hai HĐBH này có phạm vi bảo hiểm tương tự nhau. Nếu xảy ra sự cố gây thiệt hại 45 triệu đồng, thuộc trách nhiệm bồi thường của cả hai DNBH thì các DNBH trên sẽ bồi thường như thế nào và người được bảo hiểm sẽ nhận được số tiền bồi thường là bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ vào quy định tại điều 49, Luật KDBH thì đây là trường hợp tài sản đã được bảo hiểm trùng. Đối với HĐBH trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi DNBH chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết, tổng số tiền bồi thường của tất cả các DNBH không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Như vậy, trong trường hợp trên hai DNBH sẽ chia sẻ trách nhiệm bồi thường theo cách:
– Số tiền bồi thường của DNBH A được xác định theo công thức:
Số tiền bồi thường | = | 45.000.000 | x | 70.000.000 | = | 21.000.000 |
70.000.000 + 80.000.000 |
– Tương tự, số tiền bồi thường của DNBH B là:
Số tiền bồi thường | = | 45.000.000 | x | 80.000.000 | = | 24.000.000 |
70.000.000 + 80.000.000 |
– Tổng số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm được nhận là:
21.000.000 + 24.000.000 = 45.000.000 đ
Số tiền bảo hiểm là giới hạn mức trách nhiệm tối đa của công ty bảo hiểm khi xảy ra sự cố. Hay nói một cách khác, đó là số tiền mà công ty bảo hiểm đã ký kết với người được bảo hiểm thông qua hợp đồng bảo hiểm.
Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm đăng ký để doanh nghiệp bảo hiểm xác định giá trị trong hợp đồng ký kết.
Theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP ban hành ngày 06/09/2023 của Chính Phủ :
Đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc , số tiền bảo hiểm được quy định như sau :
- Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản ,
- Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị : Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm) : Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.
Đối với bảo hiểm công trình xây dựng, số tiền bảo hiểm tối thiểu được quy định như sau :
Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư cung cấp. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Theo luật kinh doanh bảo hiểm 2022 , Quy định như sau :
Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì thực hiện như sau:
- Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
- Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại và phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm trùng
- Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Giá trị bảo hiểm là gì ?
Giá trị bảo hiểm là giá trị của đối tượng bảo hiểm. Đó chính là giá trị thực tế của tài sản so với với thị trường tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm.